Các hãng xe chỉ sở hữu bản quyền và sản xuất một số ít linh kiện, số còn lại được mua từ hàng trăm nhà cung ứng.
Ôtô ngày nay được làm từ hàng nghìn linh phụ kiện khác nhau, gồm các bộ phận kim loại và lốp cao su, từ đồ điện tử đến các miếng ốp nhựa hay cửa kính. Không một hãng nào trên thế giới có thể tự sản xuất hoặc lắp ráp tất cả mọi thứ trên đây thành một chiếc xe hoàn thiện và vận hành được, theo Wonderopolis.
Những linh kiện cấu thành được mua từ các nhà sản xuất linh kiện gốc (OEM). Các hãng sẽ đặt hàng OEM sản xuất chi tiết theo kích thước, tiêu chuẩn, số lượng mong muốn. Có nhiều bộ phận được dùng chung cho nhiều hãng, không có sự khác nhau nào, ví dụ túi khí, lốp.
Thực tế, việc phân chia công việc không chỉ cho phép các hãng ôtô lắp ráp nhanh và hiệu quả hơn, mà giúp họ sản xuất với chi phí thấp hơn. Thời công nghiệp ôtô manh nha, sự cải tiến của Henry Ford - nhà sáng lập hãng Ford (Mỹ) - đối với hệ thống dây chuyền lắp ráp cho phép những chiếc ôtô được làm ra với mức giá mà phần lớn người Mỹ có thể mua được. Ở nhà máy đầu tiên của Ford, một chiếc Ford Model T có thể được lắp ráp từ khởi đầu tới khi hoàn thiện chỉ trong hơn 90 phút.
Trước đó, một sản phẩm có thể được sản xuất chỉ bởi một người thợ, và tự làm toàn bộ công việc từ đầu tới cuối. Nhưng với hệ thống phân công công việc, tất cả các bước sản xuất được tách riêng với rất nhiều người hoàn thành những bộ phận rất nhỏ cho tới khi sản phẩm hoàn thiện.
Khoảng 30 nhà cung ứng chính trong danh sách những người làm ra một chiếc BMW series 5. |
Hệ thống phân công công việc được thể hiện rất rõ trên xe hơi ngày nay, khi mà gần như không một hãng nào có thể tự sản xuất một sản phẩm từ A đến Z. Ví dụ, để sản xuất ôtô, hãng BMW (Đức) phụ thuộc vào hệ thống hơn 100 nhà cung ứng linh phụ kiện ôtô từ khắp nơi trên thế giới. Khoảng 50% số này có trụ sở chính tại Đức hay các chi nhánh tại Đức. Khoảng 35% còn lại nằm tại các quốc gia châu Âu.
Trong tổng số hơn 100 là khoảng 40 nhà cung ứng chính. Trong đó có thể kể đến Brembo, Thyssenkrupp, BorgWarner, Elringklinger, Bridgestone và Mahle, theo Investopedia.
Danh sách chi tiết dưới đây nêu rõ những nhà cung ứng chính góp phần làm nên một chiếc xe BMW, cũng như nhiều mẫu xe của nhiều hãng ôtô khác trên thế giới.
Brembo: kẹp phanh
Dräxlmaier Group: các tấm ốp nội thất
Peiker Acustic GmbH & Co.: Internet di động tốc độ cao dành cho xe hơi
Thyssenkrupp: trụ lái, giảm xóc và các bộ phận của hệ thống treo
BorgWarner: các bộ phận của hệ thống lái, như bộ ly hợp và hộp số tự động
Elringklinger: các miếng đệm và các bộ phận của hệ thống xả
Mahle: các chi tiết của piston và xi-lanh, bộ truyền động van, hệ thống quản lý không khí và chất lỏng
Bridgestone: lốp xe
Guardian: kính chắn gió và các loại kính xe
GKN Driveline: kết cấu trục lái
Johnson Electric: mô-đun quạt sưởi và làm mát
Gestamp: nắp ca-pô và nắp cốp
Apag Elektronik AG: đèn nội thất
Delphi: pin và linh kiện sạc cho xe điện
Hirschvogel: vành xe
Magna: dập thân xe
Harman/Kardon: hệ thống âm thanh nội thất
Danh sách các nhà cung ứng cho một chiếc Toyota Tacoma đời 2016 là khoảng 40. |
Trong khi đó ở Nhật, hãng Toyota mua trực tiếp từ 200 nhà cung ứng linh phụ kiện. Tổng giá trị của việc mua linh phụ kiện là 300 triệu USD mỗi tháng, theo Investopedia.
Ví dụ, mẫu bán tải Toyota Tacoma đời 2016 được làm ra nhờ linh phụ kiện của hơn 40 nhà cung ứng khác nhau. Có thể kể đến Harman (hệ thống âm thanh), Yokohama Industries Americas (keo dán kính chắn gió), Tenneco (linh kiện ống xả), Rassini (nhíp), Superior Industries (vành nhôm đúc), MagniNorth American Lighting (đèn sương mù), Koyo (bộ làm mát bằng dầu, bơm trợ lực lái thủy lực), AGC Automotive (cửa kính bên).
_Nguồn VN Express