An Giang là một tỉnh miền Tây Nam Bộ, bắt đầu từ chỗ sông Mê Kông chảy vào nước ta được chia làm đôi. Phía đông An Giang giáp Đồng Tháp, phía đông nam giáp Tp. Cần Thơ, phía tây nam giáp Kiên Giang, phía tây và tây bắc giáp nước Cam-pu-chia. An Giang được biết đến với các địa điểm du lịch rất nổi tiếng, như là núi cấm, núi sam, các lễ hội thu hút rất đông du khách tham quan hằng năm như là lễ hội bà chúa xứ, lễ hội đua bò bảy núi.
1. Núi Sam
Núi Sam có tên khác Vĩnh Tế Sơn hay Ngọc Lãnh Sơn cao 284 m có chu vi 5.200m, là một núi nằm trong vùng Bảy núi, thuộc xã Vĩnh Tế – nay là Phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Núi Sam là một nổi tiếng ở Các tỉnh miền tây . Theo truyền thuyết, núi có nhiều linh hiển, nên có nhiều chùa thờ Phật đã dựng lên tại đây gần 2 thế kỷ. Ðồng bào khắp nơi hành hương về đây cúng lễ rất đông. Có đến 200 ngôi đền, chùa, am, miếu nằm rải rác ở chân núi, sườn núi và cả trên đỉnh. Trên đỉnh núi có một pháo đài được xây dựng từ thời Pháp.
Chùa Tây An ở núi Sam
Trên đỉnh, còn dấu tích một bệ đá, nơi tượng Bà Chúa Xứ Núi Sam ngự, trước khi được đem về miếu… Bệ đá có chiều ngang 1,60m; dài 0,3m, chính giữa có lỗ vuông cạnh 0,34m, loại trầm tích thạch màu xanh đen, hạt nhuyễn.
Trên và quanh núi Sam có rất nhiều chùa miếu, trong đó nổi tiếng nhất là Miếu Bà chúa Xứ, Chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, Chùa Phước Điền (còn gọi Chùa Hang) là những hạng mục trong Khu di tích lịch sử – Văn hoá núi Sam dã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam công nhận là di tích cấp quốc gia.
Đặc biệt là lễ hội miếu Bà Chúa Xứ hay còn gọi là lễ Vía Bà được tổ chức hàng năm từ đêm 23/4 đến 27/4 âm lịch. Lễ Vía Bà hằng năm thu hút rất đông khách thập phương. Đến với lễ hội hội họ vừa được tham dự lễ hội dân gian phong phú để xin cầu tài cầu lộc. Hằng năm thu hút hơn 2 triệu lượt khách tham quan.
2. Núi Cấm
Núi Cấm là một trong những ngọn núi đẹp và hùng vĩ cũa dãy Thất Sơn . Đây là địa danh du lịch rất nổi tiếng của An Giang và ĐBSCL vì khí hậu mát mẻ, phong cảnh đẹp và cây cối luôn xanh tươi. Trên núi có: Chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, tượng Phật Di Lặc, Cao Đài Tự…Từng được xưng tụng bằng nhiều mỹ từ, là “nóc nhà của đồng bằng”, hoặc một Đà Lạt thứ hai giữa vùng sông nước miền Tây. Ngoài ra, dọc theo những lối mòn từ chân lên tới đỉnh núi có nhiều điểm tham quan như: suối Thanh Long, suối Tiên, điện Cây Quế, điện Mười Ba, điện Tam Thanh, điện Huỳnh Long, hang Ông Thẻ, hang Ông Hổ, hang Bác Vật Lang, động Thủy Liêm. Dưới chân núi Cấm, về phía Đông là khu du lịch Lâm Viên, với diện tích khoảng 100 ha, có cảnh quan đẹp, có đường tráng bê tông khá rộng lên đến đỉnh
Tượng Di Lặc trên núi Cấm
Bên cạnh các nguồn lợi từ du lịch, hành hương, cây trái… núi Cấm còn có các nguồn lợi khác từ tài nguyên, như đá xây dựng, cát núi, đất sét cao-lanh và nước khoáng thiên nhiên…
3. Rừng tràm Trà Sư
Rừng tràm Trà Sư cách thành phố Long Xuyên gần 100 km, thuộc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Với sinh cảnh rừng tràm ngập nước và hệ động thực vật phong phú, Trà Sư biểu trưng cho nét đẹp mùa nước nổi An Giang.
Đây cũng là khu rừng ngập nước nội địa thứ 6 của các tỉnh miền tây . Mặc dù đường vào rừng còn gập ghềnh ổ gà, ổ voi nhưng ai đã một lần đặt chân đến đây sẽ nhanh chóng bị không gian huyền bí của rừng cuốn hút…
Rừng tràm Trà Sư
Đứng trước cây cầu vào cổng, trước mắt du khách hiện ra con kênh dài với dòng nước mát lành, thi thoảng lại có chú cá vẫy đuôi làm xao động mặt nước. Ngay cạnh đó là cả dãy rừng tràm xa tít, ngăn ngắt màu xanh. Từ đây, du khách không đi bằng xe nữa mà phải dùng ghe, xuồng nhỏ để dễ dàng len lỏi trong các ngóc ngách của rừng.
Ngồi trên xuồng, nhè nhẹ từng nhịp chèo khua trên dòng nước trong xanh, ngắm hàng chục loài chim hót véo von trên từng ngọn tràm mà ngỡ như mình đang lạc vào xứ sở thần tiên.
Đất lành chim đậu, một số loài chim nước sống quanh năm ở đây như cò, cồng cọc, dang sen, bìm bịp, lele… Ngoài ra còn có cả dơi quạ.
4. Cù Lao Giêng
Cù lao Giêng là một hòn đảo lớn (cù lao) nay thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang (gồm các xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân).Với cảnh quan thiên nhiên đầy sức quyến rũ của một vùng sông nước, cá lội tung tăng cùng vô vàn chủng loại cây trái đặc sản của miền phù sa nước ngọt, Cù Lao Giêng còn có những công trình văn hoá và mỹ thuật tiêu biểu như Chùa Bà Lê (Phước Hội Tự), một di tích lịch sử cách mạng thuộc xã Hội An, huyện Chợ Mới đã được Nhà nước công nhận di tích quốc gia.
Hiện nay, bên trong còn thờ những bài vị của các anh hùng liệt sĩ cách mạng dưới hình thức tôn giáo để che mắt giặc trong thời chiến tranh.
Thánh đường Cù Lao Giêng
Với quê sông nước hữu tình nằm giữa sông Tiền với nhiều công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc như Quần thể kiến trúc Thiên chúa giáo xã Tấn Mỹ, Thánh đường Cù lao Giêng, Chùa Đạo Nằm, Phủ thờ Mã Tộc, Chùa Bà Vú,… Cũng là nơi xuất thân của nhiều danh nhân An Giang.
Ngoài ra còn có 1 số nơi như là Hồ Thoại Sơn, Búng Bình Thiên, nhà Bảo Tàng tỉnh An Giang, khu tưởng niệm chủ tịch Tôn Đức Thắng,….
Đặc sản không thể bỏ qua? Được biết đến là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc cư trú như: Chăm, Khmer, Hoa, Việt…với những nền văn hóa đa dạng. Vì thế mà những món ăn của An Giang đều mang đậm bản sắc riêng. Thuexegiare.net xin giới thiệu đến quý khách những món ăn hấp dẫn nơi đây.
1.Gỏi sầu đâu
Cây sầu đâu còn gọi là cây xoan ăn gỏi, một loài cây mọc hoang, nhiều nhất ở Châu Đốc và vùng Bảy Núi – An Giang. Lá sầu đâu nhỏ, dài và mỏng. Lúc còn non, đọt có màu tim tím.
Lá sầu đâu được chế biến thành nhiều món ăn, phổ biến nhất là sầu đâu chấm cá kho, thịt kho hoặc ăn kèm với mắm thái, mắm chưng, từng được coi là món ngon hiếm có trên đời. Chính vị mặn nồng của mắm hòa hợp với vị đăng đắng, hậu ngọt của lá sầu đâu sẽ làm cho vị giác lâng lâng khó tả, càng ăn càng cảm thấy khoái khẩu. Nhưng thực đơn nổi tiếng nhất ở An Giang xưa nay vẫn là món gỏi sầu đâu. Từ gỏi tôm, gỏi thịt, gỏi cá cho đến gỏi khô, thứ nào cũng tuyệt hảo.
Vị đắng dìu dịu của sầu đâu và vị mặn, ngọt, dai dai của cá quyện với nhau càng làm cho khẩu vị thăng hoa nhờ mùi đặc trưng, lạ miệng, hoàn toàn không giống với bất cứ loại gỏi nào.
2. Mắm ruột
An Giang nổi tiếng về mắm và mắm ruột là món ăn làm từ ruột cá ngon, trộn với thính gạo lứt để chừng ba tháng. Mắm ngấu chao với đường thốt nốt lên vị rất ngon.
Mắm sống ra ăn kèm với rau thơm, ớt “sừng trâu”. Người cầu kỳ ham thích đậm đà hương vị thì cho mắm chưng với thịt ba rọi, hột vịt, rắc chút hành tiêu, vài lát gừng xắt mỏng. Người ta thích ăn nóng hôi hổi, thoang thoảng hơi cay của sả ớt thì chọn mắm kho ăn kèm mớ rau đồng xanh mơn mởn.
3. Cá lóc nướng trui
Chẻ một que tre tươi, chuốt nhọn một đầu xiên suốt từ miệng đến đuôi cá, cắm đứng thẳng xuống đất, phủ rơm khô trùm lên cá châm lửa đốt.
Cái khéo và tay nghề người nướng cá ở chỗ dù nướng bao nhiêu con, tất cả đều chín một lượt, vẫy cá cháy đều đặn, mùi thơm quyến rũ bốc lên sau khi ngọn lửa vừa tàn chừng ấy người ta nhổ dần từng con cá cháy đem đặt vào dĩa, một tay giữ đầu cá, tay kia cằm đủa xẻ dọc lưng cá từ đầu xuống tận đuôi, tách đôi, trải ra, thịt cá trắng bóng, thơm lừng, nguyên bộ lòng cá được kéo ra, cho ngay vào tô nước mắm tỏi ớt dằm me chín, bên trong rổ rau tươi nhiều chủng loại, trước khi xẻ cá, dùng đôi đủa gạt nhẹ khắp mình con cá, những vẩy cháy rơi đi, còn lại làn da vàng lấm tấm đen và mùi thơm “không chịu nổi”.
Cá lóc nướng trui thường ăn kèm với bún, bánh tráng nhúng nước, rau thơm, các loại để lên bánh tráng, gắp miếng cá đặt giữa lớp rau xanh cuốn lại thành cuộn tròn chấm nước mắm. Nước mắm thường thì là nước mắm tỏi ớt, chanh, đường, giấm hoặc nước mắm dầm me.
Rau, trước nhất không thể thiếu rau dấp cá kế đến húng cây, húng lũi, dưa leo, khế chua, chuối chát xắt lát mỏng, đặc biệt các loại đọt non như đọt điều, đọt xoài, đọt cóc kèn…
4. Bánh canh bò viên
Bánh canh bò viên là một trong những món ăn đặc sản của vùng sơn cước có nhiều cái ngon kết hợp lại. Đầu tiên phải kể đến loại gạo thơm đặc biệt Neang Nhen, đặc sản vùng Bảy Núi được xay ra bột làm bánh canh theo công thức thủ công gia truyền.
Để có những cọng bánh canh đòi hỏi người bán phải qua nhiều công đoạn. Từ khuya, chủ quán phải thức dậy để xay gạo được ngâm trong đêm, xay xong giằng bột cho khô nước, kế tiếp là nhồi bột, cán, cắt mỏng tạo nên sợi bánh nhỏ trắng phau mềm, dai, mang đậm vị ngọt của thổ nhưỡng.
Kế đến là nồi nước súp hỗn hợp được ninh nhừ từ xương heo, xương gà, tôm khô, cá… những tinh túy trong nồi nước súp cho ta hương vị đậm đà, bổ dưỡng. Nhưng cái ngon nhất là bò viên. Bảy núi là xứ sở bò vỗ béo, món ngon từ thịt bò được chế biến thành bò viên đã khẳng định vị trí món ăn ngon ngọt mang phong cách địa phương vùng Bảy Núi này.
Bò viên được cắt làm đôi có màu đỏ hồng nằm bên cạnh là những đoạn hành gọi mời hấp dẫn. Cho miếng bò viên nhẫn nha nhai, thịt vừa dòn dai, thơm ngọt đậm đà của bò sơn cước.
5. Cá linh – món ngon mùa nước nổi
Hàng năm, vào khoảng tháng Bảy âm lịch, nước lũ từ thượng nguồn sông Mekongbắt đầu đổ về đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đó cũng là lúc cá linh từ biển Hồ (Campuchia) theo dòng nước lũ tràn về các tỉnh đầu nguồn ĐBSCL như An Giang, đặc biệt là ở vùng Châu Đốc. Ngư dân nơi đây đua nhau đặt dớn, đặt đó, kéo lưới… bắt cá linh.
Cá linh đầu mùa lũ chỉ bằng ngón tay út mà mọi người thường gọi là cá linh non, giá một ký lô cá đầu mùa lên đến năm, bảy chục ngàn đồng. Dù giá cao như vậy nhưng bán rất chạy. Bởi hầu như người dân Châu Đốc thường cho rằng cá linh non ăn bổ dưỡng và rất ngon.
Cư dân nơi đây có hai món đặc sản mùa nước nổi là cá linh non chiên bột và lẩu cá linh non nấu chua với bông điên điển, bông súng. Cá linh non xương thịt mềm, béo, khi chiên bột vừa có độ giòn của bột vừa béo ngọt của thịt cá, ăn thật ngon miệng. Cá linh là đặc sản trong mùa nước nổi ở Châu Đốc.
Hấp dẫn hơn là món cá linh non nấu lẩu chua ăn với bún. Nước lẩu là nước me non có độ chua vừa phải, thêm cùng ngò rai, rau om, rau quế tạo thành hương vị độc đáo. Cá linh non được làm sạch ruột, sắp đầy dĩa, cùng bông điên điển vàng tươi, thêm đĩa bông súng trông thật bắt mắt. Khi nước lẩu sôi, để cá linh non vào, rồi nhúng bông điên điển, bông súng. Thịt cá mềm mại ăn cùng với bông điên điển, bông súng giòn giòn thì khó gì sánh bằng.
Nhà văn Dạ Ngân đã từng viết “Con cá linh diệu kỳ”. Bà nói, “Cá linh nấu chua với bông điên điển thì ngây ngất ngon, không gì sánh được với nó”. Và món cá linh non kho me non thì “Cá linh non kho mẳn (kho lạt) với me trái và ớt xanh bảo đảm ăn chừng năm chén cơm vẫn còn thòm thèm”.
6. Bò leo núi
Ở miệt Tân Châu (An Giang) có món ăn hấp dẫn là “bò leo núi”. Cách tẩm ướp, chế biến “bò leo núi” khác lạ với món bò nướng trong ẩm thực người Việt ĐBSCL.
Nhiều người nghĩ bò leo núi là bò được nuôi ở vùng núi, thịt rắn chắc. Nhưng thực tế vẫn là thịt bò bán tại chợ nhưng qua bàn tay khéo léo của người đầu bếp, món ăn trở nên khác lạ.
Dĩa thịt bò được dọn lên nhìn rất đỗi bình thường. Thịt được cắt dày hơn so với các món bò nướng như thường thấy. Hỏi ướp gia vị gì, chủ quán chỉ cười, không tiết lộ. Tuy nhiên có thể thấy đầu tiên thịt được ướp bằng trứng gà tươi được khuấy đều. Vỉ nướng được làm bằng gang. Giữa vỉ mô lên tròn trĩnh tượng hình quả núi nên tên gọi món ăn xuất phát từ cái vỉ này.
Đầu tiên chủ quán cho một miếng mỡ heo thật to lên trên vì được bắc trên bếp than hồng khỏa đều. Mỡ làm nhiễu xuống tạo âm thanh xèo xèo, vui tai. Sau đó để thịt bò và phết lên một ít bơ vàng óng. Trứng và bơ hòa quyện thấm vào thịt thơm lừng, ngọt lịm. Miếng thịt dù để trên bếp bao lâu vẫn không bị dai, cứng mà luôn mềm mại, rất vừa miệng ăn. Thịt nướng xong được gói với bánh tráng, rau sống, chuối chát... chấm với chao hoặc mắm pro-hốc.
7. Thốt nốt ướp lạnh: món giải khát tuyệt vời.
Vùng Châu Đốc, tỉnh An Giang có rất nhiều món đặc sản nhưng món giải khát dân dã thốt nốt lạnh sẽ khiến du khách khó quên.
Món thốt nốt lạnh gồm nước thốt nốt và cơm của trái thốt nốt. Nước thốt nốt được lấy từ những vòi hoa của cây thốt nốt. Để có món giải khát tinh khiết ấy, chiều hôm trước, người ta leo lên ngọn cây cao cỡ 15m đến 20m, dùng dao cắt đầu cuống bông cho chất nước tinh khiết chảy vào ống tre.
Sáng hôm sau, lại trèo lên cây đem ống xuống. Nước thốt nốt tươi nguyên chất có vị ngọt thanh tao. Trái thốt nốt cũng được hái nguyên buồng xuống, dùng dao chẻ ra lấy cơm ướp lạnh. Cơm thốt nốt có vị béo, bùi và mùi thơm hấp dẫn
Ngoài ra du khách có thể tham khảo một số khách sạn khi đến An Giang
Khách sạn Hải Châu
Địa chỉ: 63 Đường Sương Nguyệt Ánh, Thành phố Châu Đốc, An Giang, Việt Nam
Khách sạn Victoria Châu Đốc
Địa chỉ: 01 đường Lê Lợi, Châu Đốc, An Giang ,Việt Nam
Khách sạn Phương Nam Long Xuyên
Địa chỉ: 75 Đường Trần Hưng Đạo, Thành phố Long Xuyên, An Giang,Việt Nam
Khách sạn Hạ Long Châu Đốc
Địa chỉ: Đường số 1, Phường Núi Sầm, Thành phố Châu Đốc, An Giang, Việt Nam
Khách sạn Châu Phố
Địa chỉ: Đường 88 Trưng Nữ Vương, Thị xã Châu Đốc, An Giang, Việt Nam
Khách sạn Kim Anh An Giang
Địa chỉ: 5-7-9 Đường Thi Sách, Phường Mỹ Long, Thành phố Lòng Xuyên, An Giang,Việt Nam