Một điểm đến an toàn để nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng thực sự là tiêu chí đầu tiên khi đi du lịch đối với mỗi gia đình - Một nơi không ồn ào, xô bồ, không ngột ngạt, bon chen, ở đó có không khí trong lành và các dịch vụ đảm bảo. Các vùng miền có biển, đảo với phương tiện đi lại công cộng (như ô tô, tàu hỏa) trở thành lựa chọn số một cho các gia đình.
Cù lao Chàm là một cụm đảo, về mặt hành chính trực thuộc xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, nằm cách bờ biển Cửa Đại 15 km và đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Cù lao Chàm bao gồm 8 đảo: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô mẹ, Hòn Khô con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông. Dân số trên các hòn đảo này gồm khoảng 3.000 người.
Cù lao Chàm là một di tích văn hoá lịch sử gắn với sự hình thành và phát triển của đô thị thương cảng Hội An. Tại đây còn nhiều di tích thuộc các nền văn hoá Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt, với các công trình kiến trúc cổ của người Chăm và người Việt có niên đại vài trăm năm.
Đây còn là một địa điểm du lịch có khí hậu quanh năm mát mẻ, hệ động thực vật phong phú, đặc biệt là nguồn hải sản và nguồn tài nguyên yến sào. Khi đến với Cù Lao Chàm quý khách không chỉ trải qua những giờ phút thi vị, bồng bềnh trên sông nước mà còn được thưởng thức giá trị văn hóa của những di tích khảo cổ liên quan đến quá trình cư trú của cư dân cổ cách đây 3.000 năm . Tại Cù Lao Chàm còn có rất nhiều di tích lịch sử văn hóa như:
Chùa Hải Tạng
Là một ngôi cổ tự trên đảo . Tên chùa Hải Tạng: Hải là biển, Tạng là Tam tạng kinh điển, với ý nghĩa chùa là nơi hội tụ kinh Tam Tạng mênh mông như biển cả .Chùa được xây dựng vào năm 1758 (năm Cảnh Hưng thứ 19). Chùa tọa lạc sát chân núi phía tây của Đảo Hòn Lao, lưng tựa vào núi, mặt nhìn ra một thung lũng nhỏ là cánh đồng lúa duy nhất của Cù lao Chàm.
Chùa Hải Tạng thờ Phật và thánh thần, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của ngư dân trong vùng và cũng là nơi thương thuyền các nước tín ngưỡng Phật giáo ghé vào hành lễ, cầu nguyện.
Thoạt tiên, chùa được xây dựng cách vị trí hiện nay khoảng 200m về hứơng đông bắc, về sau do mưa bão làm hư hại nên năm 1848 (Tự Đức nguyên niên), một số ngư dân và thương gia hiệp lực xây dựng lại ngôi chùa ở vị trí ngày nay. Đặc biệt trong chùa còn lưu giữ một quả đại hồng chung, trên chuông có một con rồng mang phong cách những năm đầu thời Lê sơ, như vậy quả chuông này có thể có niên đại trước cả thời điểm xây dựng chùa.
Giếng Cổ Chăm nằm tại ngã ba con đường bêtông của khu dân cư xóm Cấm, cách 500m về phía Đông Bắc là di tích Tiền Sa Huỳnh Bãi Ông, cách di tích khảo cổ Bãi Làng 300m về hướng Tây Nam.
Giếng có niên đại cách đây 200 năm. Cấu trúc của giếng mang đặc trưng giống với nhiều kiểu giếng Chăm khác ở Hội An. Giếng có kiểu hình ống tròn, thành giếng hình tròn, nền giếng hình vuông, ở mỗi góc có một trụ vuông. Diện tích khuôn viên giếng khoảng 15m2, đường kính miệng giếng khoảng 1,2m. Lòng giếng xây gạch tô vữa vôi, được xây theo kiểu “vành khăn." Độ sâu từ miệng giếng đến đáy giếng khoảng 5m.Tuy nhiên, trải qua quá trình sử dụng hàng trăm năm, người dân nơi đây đã cải tạo lại nền giếng và xây thêm gạch vữa ximăng lên thành giếng nên đã phần nào làm biến đổi cấu trúc.
Miếu tổ nghề YếnGiếng cổ Chăm không những tiếp tục cung cấp nguồn nước ngọt đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân địa phương và cho tàu thuyền đi biển mà còn là nguồn tư liệu quý để du khách cũng như các nhà văn hóa nghiên cứu . Điểm đặc biệt của Giếng cổ là không bao giờ bị khô cạn dù là vào mùa khô.
Miếu Tổ nghề yến được xây dựng hoàn chỉnh vào khoảng đầu TK 19 để thờ Tổ nghề yến và các vị thần bảo hộ của nghề. Hàng năm vào ngày 10/3 âm lịch, cư dân và những người làm nghề khai thác yến tổ chức cúng rất linh đình để chuẩn bị bắt tay vào vụ khai thác mới. Công trình chính gồm 2 nếp nhà nối liền thông với nhau, mái lợp ngói âm dương. Nếp thứ nhất hệ vì kèo cấu tạo theo kiểu chồng rường giả thủ. Nếp thứ hai hệ vì kèo cấu tạo theo kiểu khung cụi chính giữa rồi bắt quyết qua 4 mái. Trên bàn thờ, ngoài các bài vị của những bậc tiền bối khai sáng nghề yến sào là các vị thần liên quan đến sông biển. Trên tường bên hữu có tấm bia đá ghi công đức của các chư phái tộc và ca tụng vẻ núi non kỳ vĩ của Cù Lao xứ.
Tại đây, các hoạt động Giỗ Tổ nghề Yến hàng năm vẫn được người dân tổ chức vào các ngày mồng 9 và 10 tháng Ba âm lịch, với nhiều hoạt động phong phú: Tế Tổ nghề Yến, Vui hội làng chài ( đua ghe ngang, kéo co bằng thuyền trên biển, hội Bài chòi, trò chơi bịt mắt đập nồi), đêm hội Cù lao (biểu diễn nghệ thuật cổ truyền, giao lưu văn nghệ đất liền- hải đảo- du khách), Chợ ẩm thực món đặc sản Cù Lao Chàm (các đặc sản biển, rau rừng, bánh ít, tổ yến khô, yến chưng hột sen, rượu yến, rượu hải sâm- bào ngư...)
Cùng với một loạt thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú như :
Suối Tình
Được bắt nguồn từ đỉnh của các ngọn núi thuộc khu vực Hòn Lao, nguồn nước được chắt chiu vào mùa khô và dồn chảy vào mùa mưa, dòng nước vượt qua những thác ghềnh để cuối cùng đổ về khu dân cư Bãi Làng - Cù Lao Chàm.
Đã từ bao đời nay, Suối Tình nơi đây có nguồn nước ngọt lành, trong xanh, mát lạnh; là nguồn tài nguyên, nguồn sống quý giá vô tận đối với dân cư vùng biển đảo Cù Lao Chàm. Hơn nữa, mỗi nơi con Suối Tình chảy qua đều tạo nên những khung cảnh rất thú vị, nên thơ và hữu tình. Đồng thời Suối Tìnhcũng là nơi hò hẹn, gặp gỡ của bao đôi trai gái Cù Lao Chàm và các vùng lân cận, cùng biết bao câu chuyện tình dân gian lãng mạn truyền tụng cho đến ngày nay. Xuất phát từ những lý do trên mà theo nhiều cụ cao niên ở đây, không biết tự bao giờ dòng suối đã có tên là Suối Tình.
Khách du lịch đến đây, đứng từ trên cao nhìn xuống biển trước Bãi Làng nhất là vào lúc hoàng hôn sẽ cảm giác như đứng từ lưng chừng trời, từ cõi xa vời cách trở giữa các vòng ngũ sắc với chốn dân gian. Ở đây, có nước chảy mạnh tạo nên dòng thác xối xuống làm cho hòn đá dưới bị khuyết lõm giống như hình hột xoàn luôn đầy nước mát lạnh, nếu được tắm mình trong đấy thì thật sảng khoái vô cùng. Phía trên lại có hòn đá to trải bằng, rộng lớn, có thể nằm vừa hong nắng, vừa tâm tình. Tỏa bóng mát cho cả khu vực là cây cừa xanh tốt rợp mát quanh năm luôn vang rền tiếng ve vào mùa hè và tiếng chim làm tổ rủ rỉ vào mùa đông.
Đảo Yến
Cù lao Chàm được xem như là vương Quốc của Chim Yến.
Cù lao Chàm là nơi duy nhất của tỉnh Quảng Nam có loài chim Yến hàng - Collocalia Fuciphaga Genmaini Oustalet, thuộc phân giống Yến hông xám (Swiftlets), giống Collocalia, họ Apodidac, bộ Yến Apdiformes.
Hàng năm, vào cuối tháng 11 âm lịch, yến bắt đầu làm tổ theo một cách rất độc đáo: yến nhả nước bọt thành những dãi trắng lên những vách đá cheo leo của các hang động trên đảo. Dãi yến mới nhả ra có màu trắng phớt hồng, gặp gió quánh lại, chuyển thành màu trắng đục. . Yến đẻ trứng, ấp trứng và nuôi cho đến khi chim con đủ sức tự bay đi kiếm mồi. Tổ yến có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, và là một nguồn dược liệu rất quý. chim yến thường làm tổ trong các hang ở Hòn Khô (mẹ),Hòn Lao, Hòn Tai...
Ngoài ra Rừng Cù Lao Chàm có nhiều loại lâm sản quý như gõ, kiền kiền, dẻ, chua, mây, song, dâu, sim; các loại dược liệu quý hiếm như mã tiền, sơn máu, ổi tím, ngũ gia bì. Bao quanh các cụm đảo từ độ sâu 1-20 m, nước xanh biếc, có nhiều loại hải sản như tôm hùm, ốc hương, ốc vú nàng, hải sâm, ngọc trai, đồi mồi, cua đá.
Đến Cù lao Chàm, sự thân thiện, dễ mến của con người nơi đây sẽ khiến bất cứ du khách nào cũng muốn được quay lại.